Truyện Dân Gian: Lợn nái giết con

Truyện Dân Gian: Lợn nái giết con
Tranh Đông hồ (hình ảnh chỉ mang tính minh họa)
Có con lợn nái sắc loang lổ đẻ một lứa năm con: bốn con loang lỗ, một con đen tuyền. Lợn nái nuôi bốn con lợn con giống mình rất cẩn thận chu đáo, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn đen tuyền khác mình thì ghét bỏ, về sau cắn chết.

Thiên Hương

Lời bàn:

Một khi mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thì dù từ bụng mình sanh ra cũng đã ngay có lòng yêu, lòng ghét. Ðã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại, huống chi người khác máu với mình.

Thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình đồng chí thì ưa nhau mến nhau, còn ngoại giả thì đem bụng ngờ vực ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc.

Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ. Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là người bộc trực, khẳng khái, là bậc quang minh chính đại, mình cũng nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là trọng nhân đạo. Nếu không thì tâm thuật chẳng khác gì con lợn nái mất rồi!

Chú thích:

Tâm thuật: cách nghĩ trong thâm tâm, trong não.

Bộc trực: nghĩ sao nói vậy một cách thẳng thắn.

Khẳng khái: có khí phách cứng cỏi và kiên cường, không chịu khuất phục trước cường quyền.

Post a Comment

Previous Post Next Post