Nói sự thật chưa hẳn đã tốt: phải biết dùng chánh ngữ

Tôi có nói điều gì sai đâu, tôi chỉ nói sự thật thôi?!

Có một cô sinh viên có cái tâm rất trong sáng, rất yêu thương trẻ mồ côi, cô ấy có nhiều hoài bão và mơ ước được cống hiến, nên đã chọn học ngành công tác Xã Hội.

Khi mới bắt đầu tập sự, cô ấy có đức tin rất lớn vào các cộng tác viên khác cũng sẽ làm việc hết mình, và có tấm lòng yêu thương những đứa trẻ mồ côi.

Khi ngồi lại trò chuyện cùng nhau, có một người nêu ra một trường hợp không hay: có một đơn vị nọ, họ nuôi chỉ 20 đứa trẻ mồ côi, mà họ báo cáo là nuôi tới hơn 40 em, để họ nhận được tiền trợ cấp nhiều hơn, thay vì nhận tiền viện trợ của một tổ chức thôi thì đơn vị đó xin trợ cấp đến 2, 3 tổ chức... Do đó, thực tế chỉ có nuôi 20 em, mà họ xin tiền của 60 em, và số tiền đó họ làm việc gì thì không biết. Họ có sự không trung thực trong chuyện làm công tác Xã hội.

Thì rõ ràng là người kể câu chuyện đó họ chỉ nói sự thật thôi, nhưng khi nói sự thật trước một sinh viên mới tập tành làm công tác Xã Hội như vậy làm người này mất Đức Tin lắm.

Giống như một nụ hoa vừa mới bắt đầu nở, mà đã có sương muối thì nụ hoa đó héo ngay lập tức. 

Dẫu biết rằng đó là sự thật, nhưng ta chỉ nên nói với những người, những ai - đã có khả năng tiếp nhận được những cái xấu, những mặt trái của Xã Hội.
Phải biết khéo léo lựa lời, lựa thời điểm thích hợp để nói sự thật
Phải biết khéo léo lựa lời, lựa thời điểm thích hợp để nói sự thật
Có những điều cần nói, nhất định phải nói, nhưng đôi khi ta phải đợi 6 tháng, 1 năm hoặc thậm chí 10 năm sau ta mới có thể nói ra sự thật khi người nghe có thể tiếp nhận sự thật mà không khổ đau.

Đôi khi nói ra sự thật chưa hẳn đã tốt

Lại một câu chuyện khác: Khi Bác sĩ có kết quả chính xác một bệnh nhân bị ung thư thời kì cuối, chỉ còn sống được 6 tháng nữa. Nếu vị Bác sĩ này đến gặp và nói cho người bệnh nhân đó biết sự thật, thì người bệnh nhân đó có thể đứng tim chết ngay lập tức.

Cho nên, khi ta nói ra sự thật nhưng nó lại không mang lại điều tốt đẹp cho người khác, thậm chí đôi khi chính sự thật đó có thể giết người - gián tiếp đưa người khác đi đến chổ chết. Như vậy thì những lời nói đó không thể gọi là chánh ngữ được.

Ta nghĩ ta đang nói sự thật, nhưng sự thật đó lại đem lại sự đổ vỡ và tan nát cho người khác thì cũng không thể gọi là chánh ngữ.

Do đó, thực tập chánh ngữ chính là ta phải biết khéo léo lựa lời, lựa thời điểm thích hợp mà nói. 

Nói bằng chánh ngữ là lời nói xuất phát từ cái tâm từ bi của chúng ta, với mục đích là mong muốn giúp người kia tốt hơn, đem lại hy vọng và giúp họ có thể thoát khỏi khổ đau - chứ không phải mang lại sự đổ vỡ, tan nát cho người khác.

Chánh ngữ phải có thông minh đi theo. Trong chánh ngữ phải có chánh kiến.

Bởi thế nên ông bà ta thường dạy: "Trước khi nói nên uốn lưỡi bảy lần"

Ý muốn nhắc nhở: trước khi nói ta phải nên tập suy nghĩ cho người khác, để tránh nói những lời nói vô tình có thể gây tổn thương đến những người bên cạnh.

Vì lời nói có thể làm cho người ta hoan hỷ, có thể làm cho người kia phấn chấn, thêm tinh lực trong người...

Lời nói có thể đem lại hạnh phúc rất lớn

Ta sẽ thấy rằng: những đau khổ của cuộc đời ta và của người khác, có thể là do khả năng ta không biết nói, không biết thực tập chánh ngữ mà ra

Nếu chúng ta biết sử dụng chánh ngữ, chúng ta biết "lựa lời nói thật" thì chúng ta sẽ tạo ra được hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người xung quanh.

Tham thiền đạo Bụt
Thiên Hương

Post a Comment

Previous Post Next Post