4 Vùng riêng tư: Mẹ cần dạy trẻ biết tự bảo vệ an toàn cho mình

Các Mẹ có biết???

- Trẻ em là những nạn nhân chủ yếu của tội phạm xâm hại tình dục.

- Trung bình cứ 3 bé thì có 1 bé bị xâm hại tình dục - bởi người trưởng thành: sau đó trẻ sẽ bị "đe doạ" cấm "không được kể lại với ai!"

Vấn đề thực tế còn nghiêm trọng hơn???

- Những con số này chỉ là dựa trên những số liệu thống kê chính thức, được công bố hàng năm.

- Trên thực tế, hầu hết các hành vi lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em không được báo cáo, phát hiện hoặc bị truy tố trước Pháp Luật. Nguyên nhân do trẻ không dám nói với bất cứ ai rằng chúng bị lạm dụng tình dục. Đây là một tội ác thường chỉ được chứng kiến bởi kẻ ngược đãi và nạn nhân.

Mẹ đã dạy cho bé về Quy tắc 5 ngón tay, giúp các bé đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp với 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Bài học hôm nay các mẹ sẽ dạy trẻ về "4 VÙNG RIÊNG TƯ" (hay còn gọi là vùng kín, vùng đồ bơi, vùng đồ lót): mà bất kì ai cũng không được phép chạm vào hoặc nhìn thấy những vùng này của bé - ngoại trừ Mẹ bé.

4 VÙNG RIÊNG TƯ: KHÔNG AI ĐƯỢC PHÉP CHẠM VÀO, NGOẠI TRỪ MẸ

"4 Vùng riêng tư" trên cơ thể đó là: Miệng, Ngực, Phần giữa 2 đùi và Mông.

"3 Vùng Kín" (hay còn gọi là vùng đồ bơi, vùng đồ lót): Ngực, Phần giữa 2 đùi và Mông

Đây là những vùng kín, vùng riêng tư mà không ai được phép chạm vào, ngoại trừ mẹ.

Tốt nhất bố mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với trẻ, tạo được môi trường gia đình cởi mở và đầm ấm, các thành viên có thể trao đổi với nhau bất kì điều gì thì khi xảy ra chuyện trẻ mới có thể chia sẻ mọi chuyện với bạn, không giữ bí mật nào trong lòng cả. Nếu bạn nghĩ không nên nói những chuyện riêng tư này với con thì khi xảy ra chuyện, bé cũng sẽ không dám nói với bạn.
4 Vùng riêng tư: Mẹ dạy trẻ biết tự bảo vệ an toàn cho mình
Dạy trẻ 4 Vùng riêng tư trên cơ thể: để trẻ biết tự bảo vệ an toàn cho mình
Các Mẹ nên giải thích cho bé: Nếu có ai khác đụng chạm vào những "vùng kín", "vùng riêng tư" đó của con việc đó là hoàn toàn sai. Các đụng chạm đó có thể khiến các con cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, kinh tởm, không thoải mái và không hề vui vẻ chút nào. Hoặc người đó có thể cho con xem những bức ảnh không lành mạnh, các đoạn phim có xuất hiện những vùng riêng tư này, hay bắt con cởi quần áo, bắt con tự chạm vào những bộ phận riêng tư của con, hoặc bắt con chạm vào những vùng riêng tư của người đó. Những hành động này đều không an toàn cho con. Chúng ta gọi đó là những đụng chạm xấu. Và đó là những việc làm hoàn toàn sai trái khiến con bị tổn thương.

Các mẹ nên thường xuyên thảo luận với con:

- Con có thể chỉ và gọi tên "4 vùng riêng tư" trên cơ thể của con cho mẹ biết được không?
- Con có thể chỉ "vùng kín" (vùng đồ bơi) trên cơ thể của con cho mẹ biết được không?
- Con có thể nói cho mẹ nghe những người nào mới được phép ôm hôn con không?
- Con có thể nói cho mẹ nghe những ai không được phép ôm hôn con không?
- Con có thể nói cho mẹ nghe những ai chỉ được phép nắm tay con không?
- Hôm nay ở trường con được cô giáo dạy bài gì? (dạy bé biết cách diễn đạt)
- Hôm nay con đi chơi (đi học) có vui không? (hỏi về cảm xúc của con)
- Trong lớp con chơi thân (thích) bạn nào nhất? Vì sao? (dạy bé biết cách mô tả cảm xúc)
- Trong lớp con không chơi thân (không thích) những bạn nào? Vì sao?
- Theo con một kẻ xấu thường có những hành động, cử chỉ xấu nào? (giúp trẻ nhận biết hành vi nào là đúng đắn)

Bên cạnh đó, các mẹ nên thường xuyên đặt câu hỏi sau đó giúp con tập trả lời xử lý các tình huống: qua đó giúp trẻ nhận biết hành vi nào là đúng đắn, hành vi nào là sai trái, tập cho con biết cách tránh xa, cự tuyệt những kẻ xấu. Sẽ giúp bé dễ dàng chia sẻ mọi chuyện với bạn.

1. Mẹ hỏi: Con sẽ nói gì/làm gì nếu một người nào đó chạm vào "vùng kín" của con hoặc yêu cầu con sờ vùng kín của họ?

Trả lời: Việc làm này hoàn toàn sai trái, những đụng chạm đó là những đụng chạm xấu sẽ gây tổn thương cho con. Kẻ làm điều này đối với con đó là những kẻ xấu.

Con phải vùng vẫy, bỏ chạy tới nơi có nhiều người, vừa chạy vừa hét thật to và rõ rằng: "CỨU CON VỚI"

Lưu ý: Trong tình huống này, các mẹ không nên dạy con la lên những từ như: "không! buông ra". Nên dạy các bé hét lên những câu kêu gọi sự giúp đỡ và sự chú ý của mọi người như: "CỨU CON", hoặc "BẮT CÓC". Để đánh động mọi người xung quanh biết rằng bé đang gặp nguy hiểm, cần sự giúp đỡ.

Khi gặp những kẻ xấu đó, con cần phải chạy đến bố mẹ hoặc người mà con tin tưởng đang có mặt tại đó và kể lại tất cả mọi việc về kẻ xấu đó, để bố mẹ và mọi người có thể giúp con.

Mẹ cần giải thích với bé: Hãy nhớ rằng đó không phải là lỗi của con khi có ai đó đụng chạm xấu đến con, người có lỗi chính là kẻ đã làm việc đó với con. Đừng bao giờ sợ hãi khi nói ra những suy nghĩ của mình. Nếu ai đó làm hại con, hãy nói ra ngay lập tức nhé. Như thế bố mẹ mới có thể trừng trị và bắt kẻ xấu đó phải tránh xa con ra và không để kẻ đó làm hại tới con được nữa. Hoặc bố mẹ có thể đề phòng, để đảm bảo rằng những chuyện tương tự như vậy sẽ không bao giờ xảy ra với con hay bất kì bạn nhỏ nào khác một lần nữa. (việc này rất quan trọng, để khi xảy ra chuyện bé có thể yên tâm kể cho bố mẹ nghe tất cả mọi chuyện, nếu các Mẹ không giải thích cặn kẽ cho con hiểu thì khi xảy ra chuyện, tâm lý của con sẽ sợ và không dám nói với bạn)

Qua đó, Bố mẹ cần nhắc nhở con rằng: không được tự ý đi đâu một mình, hoặc không chơi ở những nơi vắng vẻ chỉ có một mình. Khi đó nếu có kẻ xấu đến làm hại con, sẽ không có ai thấy và cứu giúp con được.

2. Mẹ hỏi: Con sẽ nói gì/làm gì nếu ai đó muốn xem vùng kín của con?

Trả lời: Đây là hành vi hoàn toàn sai trái. Việc này có thể khiến các con cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, kinh tởm và bị tổn thương. Những ai muốn con làm điều đó, đó là những kẻ xấu.

Con phải bỏ chạy tới nơi có nhiều người, vừa chạy vừa hét thật to và rõ rằng: "CỨU CON VỚI"

Khi gặp những kẻ xấu đó, con cần phải chạy đến bố mẹ hoặc người mà con tin tưởng đang có mặt tại đó và kể lại tất cả mọi việc về kẻ xấu đó, để bố mẹ và mọi người có thể giúp con.

Sau đó bố mẹ nên giải thích và nhắc nhở con giống như câu 1 ở trên.

3. Mẹ hỏi: Con sẽ làm gì nếu ai đó lấy mất đồ chơi của con?

Trả lời: Nếu ở trường con phải chạy tìm cô và méc với cô giáo. Nếu ở ngoài đường con phải chạy ngay về nhà méc với bố mẹ, kể cho bố mẹ hoặc ông bà nghe. Tuyệt đối không được đuổi theo lấy lại đồ chơi, kẻ xấu đó có thể dụ dỗ bắt cóc con.

4. Mẹ hỏi: Con sẽ nói/làm gì nếu con không thích nụ hôn tạm biệt của chú hàng xóm?

Trả lời: Con che mặt lại, bỏ chạy và la lên rằng: "Con không thích!"

Lưu ý: Bố mẹ cần hết sức nghiêm túc từ chối những hành vi này của người lớn bằng cách yêu cầu họ xin phép trẻ trước khi ôm, hôn hoặc giải thích rõ lí do vì sao. Bạn có thể làm mất lòng người xung quanh, nhưng bù lại con lại sẽ giảm thiểu được nguy cơ bị xâm hại, biết tự bảo vệ cơ thể mình.

5. Mẹ hỏi: Con sẽ làm gì nếu một bạn ở trường chìa cho con xem vùng kín của bạn ấy?

Trả lời: Hành động của bạn đó khiến con cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, kinh tởm... đó là hành động hoàn toàn sai trái và rất xấu. 

Con phải lập tức chạy đi tìm cô giáo, và kể cho cô nghe sự việc để cô bắt bạn đó phải xin lỗi con và cô sẽ phạt nặng bạn đó. Khi về nhà, con cần phải kể lại việc đó cho bố mẹ nghe, để bố mẹ giúp đỡ con, bố mẹ sẽ gặp cô giáo và cả bố mẹ bạn đó để có biện pháp phạt bạn đó, để bạn ấy không dám tái phạm làm hành động đáng xấu hổ đó với con hoặc bất kì bạn nào khác một lần nào nữa.

Sau này con không nên nói chuyện với bạn đó nữa và phải tránh xa bạn đó ra.

Bên cạnh đó, Bố mẹ cũng nên chú ý quan sát xem con có những biểu hiện như: mất ngủ, hay bị giật mình và hoảng sợ hay không. Vì khi bé có những biểu hiện trên, nguy cơ rất lớn bé đang bị xâm hại, bị đe doạ bởi một ai đó. (Xem thêm: Biện pháp phòng tránh và biểu hiện của những kẻ xâm hại trẻ)

*Đây là Clip hoạt hình của một tổ chức bảo vệ trẻ em tại Ấn Độ: Childline (dịch và lồng tiếng bởi Mầm Nhỏ)

Nội dung clip gồm những hướng dẫn cụ thể, giúp các bạn nhỏ biết cách tự bảo vệ an toàn cho mình. Bố mẹ và bé có thể cùng xem, cùng nắm những nguyên tắc cơ bản nhất để biết cách phòng tránh nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Cần thiết: Nên cho các bé học đi, học lại các câu chuyện về giáo dục giới tính

Điều quan trọng nhất tôi muốn nhắn nhủ đến các bố mẹ là hãy đề phòng và dạy trẻ cách tự bảo vệ mình ngay từ hôm nay. Bởi nguy cơ luôn rình rập ngoài kia và không chừa một ai cả.

Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị lạm dụng, xâm hại đến mức thấp nhất, hạn chế đến hơn 90% nguy cơ.

Xin đừng im lặng, đừng thờ ơ mà hãy lắng nghe, cùng trò chuyện và chia sẻ với con.

HÃY VÌ TƯƠNG LAI CỦA CON EM CHÚNG TA & VÌ TẤT CẢ CÁC BẠN NHỎ KHÁC!

Nguồn tham khảo: NSPPC
Biên soạn: Thiên Hương


Post a Comment

Previous Post Next Post