Tào Tháo thiếu mất lòng Nhân Nghĩa | Thuật muôn đời không thể thắng được “ĐẠO” - P1

I. THẾ CHÂN VẠC "TAM QUỐC"

Gian thần Đổng Trác, là một tên giặc tàn bạo đã khởi binh nổi loạn bắt Hán Hiến Đế Lưu Hiệp mới 8 tuổi làm con tin. Dưới thời Hán Hiến Đế giặc Đổng Trác chuyên quyền thao túng triều đình nhà Hán. Đổng Trác một tay che trời, hoan dâm vô độ, thưởng phạt bất công, xu cao thuế nặng, dân oán khắp nơi.

Thế chân vạc "Tam Quốc": Tào Tháo thiếu mất lòng Nhân Nghĩa
Khi đó, các lộ chư hầu trong nước, đứng đầu là Viên Thiệu bất bình với sự chuyên quyền tàn độc của giặc Đổng Trác, đã kêu gọi anh hùng khắp nơi dấy binh thảo phạt giặc Đổng Trác. Sau đó, các chư hầu xảy ra tranh chấp, dẫn đến bạo loạn, kế hoạch liên minh diệt Đổng Trác không thành. Trong lúc này, Tư đồ Vương Doãn dùng kế đem con gái mình là Điêu Thuyền ly gián tình cảm giữa Đổng Trác và Lữ Bố, cuối cùng Lữ Bố đã ra tay giết Đổng Trác tại Trường An. Thiên hạ trở nên đại loạn, các chư hầu theo đó nổi dậy chiếm cứ một phương.

Tào Tháo tự Mạnh Đức là một người vô cùng thông minh, lanh lợi, có tài thao lược. Tào Tháo có công lớn trong việc dẹp loạn khăn vàng và giặc Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lữ Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương Bắc. Nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía Nam, vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn - Lưu.

Tuy nhiên, hình ảnh về Tào Tháo không được các nhà nho học ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ.

1. Tào Tháo thiếu mất lòng Nhân - Nghĩa.

Năm 190, Tào Tháo được Đổng Trác phong lên chức phiêu kỵ hiệu uý. Sau đó, Tào Tháo muốn giết Đổng Trác nhưng kế hoạch bị bại lộ, nên phải bỏ trốn khỏi Lạc Dương. Lúc này cả thành dán cáo thị ai chém được đầu Tào Tháo sẽ được thưởng 1.000 lượng vàng.

Khi chạy tới Thành Cao phía bắc Trịnh Châu, Tào Tháo ghé vào nhà người quen là Lã Bá Sa vốn là bạn thâm giao của Tào Tung thân phụ của Tháo. Tào Tháo biết rõ Lã Bá Sa là một người chính trực lại vô cùng căm ghét sự cai trị tàn độc của giặc Đổng Trác, nên mới ghé qua tạm thời lánh nạn. Lã Bá Sa thấy Tháo thì tay bắt mặt mừng, vui mừng khôn xiết, liền cho người bày cỗ mở tiệc chiêu đãi. Thấy trong nhà thiếu rượu ngon mà Tháo thích Bá Sa đích thân xuống núi để tìm mua về thếch đãi Tháo. Trong lúc ngủ mê, nghe thấy nhà Lã Bá Sa mài dao định giết lợn, Tào Tháo hoảng sợ nghi ngờ Lã Bá Sa lập mưu giết mình nên đã ra tay giết hại cả nhà Bá Sa. Sau đó, khi chạy xuống nhà bếp thấy con lợn bị trói Tào Tháo mới biết thì ra mình đã giết nhầm người tốt. Tào Tháo thấy vậy lập tức khăn gói xuống núi. Trên đường xuống núi, thấy Bá Sa đang chở rượu về, Tháo đi đến và giết luôn cả Lã Bá Sa.

Nếu đổi lại là Lưu Bị, Quan Vũ, Triệu Vân, lão tướng Hoàng Trung, Phượng Sồ Bàng Thống hay Khổng Minh Gia Cát Lượng sẽ chọn cách để người đó lộ rõ dã tâm rồi mới trừng trị, không thể chỉ vì sự nghi ngờ mà giết hại người vô tội. Hơn nữa khi hiểu rõ mình đã giết oan người tốt, nếu là người trọng tình nghĩa, lý ra khi gặp Lã Bá Sa Tào Tháo phải ăn năn, kể rõ sự tình và tự kết liễu mình để chuộc tội với Bá Sa.

Nhưng Tào Tháo đã chọn cách giết luôn Lã Bá Sa. Từ đó có thể đánh giá Tào Tháo là con người luôn đặt tính mạng của mình lên trên sinh mạng của kẻ khác. Người như Tào Tháo sẽ không vì bất kì một ai mà hy sinh tính mạng.

Nếu Lưu Bị là một người nhân từ, đức độ: "Thà ta để tất cả người trong thiên hạ phụ ta, ta quyết không phụ lại người trong thiên hạ"

Thì Tào Tháo lại nổi tiếng với câu nói: "Thà ta phụ tất cả người trong thiên hạ, quyết không để người trong thiên hạ phụ ta"

Không thể phủ nhận, thời Tào Tháo cai trị ban hành chính pháp, thưởng phạt nghiêm minh. Quan lại từ đó không dám lạm quyền ức hiếp dân nghèo, muôn dân ấm no, đêm ngủ không lo trộm cướp, thái bình thịnh trị.

Lý giải điều này có 2 nguyên nhân:

Thứ 1: Tào Tháo là một người vô cùng thông minh, mưu trí. Trước đó đã có bài học của giặc Đổng Trác làm gương, nên Tào Tháo không dám đi theo vết xe đổ của Đổng Trác. Tháo hiểu rõ gây ra cảnh dân oán ắt sẽ sinh bạo loạn, quần hùng nổi lên thì cái đầu của Tào Tháo cũng sẽ giống như Đổng Trác, không thể giữ được.

Thứ 2: Tào Tháo luôn ôm mộng thống nhất đất nước, làm bá chủ thiên hạ. Nghĩa là phải diệt sạch liên minh Tôn - Lưu. Muốn làm được điều này phải có binh hùng tướng mạnh. Muốn có binh hùng tướng mạnh phải nuôi quân. Muốn nuôi quân phải có lương thực. Muốn có lương thực dân phải giàu có. Muốn dân giàu phải có chính sách cai trị yên dân và chăm lo đời sống cho nhân dân. Dân giàu ắt nước mạnh.

Lý giải việc Tào Tháo tha mạng cho Vân Trường và Triệu Vân: Bởi Tào Tháo hiểu rõ Quan Vũ và Triệu Tử Long không những là những mãnh tướng trong thiên hạ vạn người hiếm có, mà họ còn có lòng trung thành và nghĩa khí ngất trời: có thể liều mình hy sinh vì huynh đệ, vì chủ công. Tào Tháo vốn luôn ấp ủ bá nghiệp thống nhất thiên hạ, Tháo cũng hiểu rõ nếu như để 2 mãnh tướng này sống, muốn diệt Tôn Lưu (Lưu Bị - Tôn Quyền) sẽ rất khó khăn. Nhưng Tào Tháo vẫn chừa cho Quan Vân Trường và Triệu Vân một con đường sống. Bởi Tháo dù biết sẽ khó khăn hơn, nhưng Tháo có lòng tin vào bản thân vẫn sẽ diệt được Lưu Bị. Một khi Lưu Bị chết đi khi đó nhất định Tháo sẽ dễ dàng thu phục được 2 mãnh tướng này. Cơ đồ đại nghiệp ngàn năm của Tào Tháo, nếu có được sự giúp sức của Quan Vân Trường và Triệu Tử Long sẽ như hổ mọc thêm cánh, sẽ trụ vững như bàn thạch.

Thiên Hương

Post a Comment

Previous Post Next Post