Khổng Minh Gia Cát Lượng tài cao bắc đẩu | Thuật muôn đời không thể thắng được “ĐẠO” - P2

2. Lưu Bị Nhân Từ - Hiền Đức?

Nói về Lưu Bị: Sử sách kể lại, phác hoạ chân dung Lưu Bị là một người thiếu mưu trí, nhưng sống rất coi trọng tình nghĩa, rất mực nhân từ, hiền đức đến mức khó tin. Do đó, có không ít người nghĩ rằng Lưu Hoàng Thúc là người giả nhân, giả nghĩa. Cá nhân tôi cho rằng Lưu Bị tuy là dòng dõi nhà Hán, nhưng từ nhỏ bị lưu đày, là một người nông dân chân chất, cả đời sống cuộc sống cơ hàn nên từ đó có thể hiểu rõ nỗi thống khổ của người dân. Hơn nữa, giả sử Lưu Bị có thể "giả nhân nghĩa" qua mặt thu phục được Quan Vân Trường, Trương Phi và Triệu Tử Long nhưng liệu ông có thể qua mặt được một người tài cao bắc đẩu, mưu kế đứng đầu thiên hạ như Khổng Minh Gia Cát Lượng và Phượng Sồ Bàng Thống hay không???

3. Khổng Minh Gia Cát Lượng: là người có trí tuệ siêu phàm, phong thái nho nhã, điềm đạm, thận trọng mọi việc, ông sống thanh đạm giản dị, trọng nghĩa khinh tài, xem thường danh lợi. Đặt sự hưng vong của quốc gia lên trên sự vinh nhục của cá nhân với tấm lòng tha thiết đánh giặc diệt Ngụy, phục hưng nhà Hán, mong muốn cho bách tính thoát cảnh lầm than. Sở dĩ ông sống ẩn minh nơi thôn dã vì chưa tìm được người chủ công hiền đức để theo phò tá.

*Trận Xích Bích:

Khổng Minh Gia Cát Lượng là người có trí tuệ siêu phàm
- Tào Tháo với hơn 80 vạn đại quân tại sao lại bị thất bại thảm hại với chỉ 5 vạn quân ở Giang Đông của Tôn Quyền???

- Trận chiến Xích Bích đi vào lịch sử không thể không nhắc đến thuật "hô phong hoán vũ lập đàn tế trời mượn gió đông của Khổng Minh" kết hợp dùng hoả công đốt sạch tàu thuyền của quân Tào Tháo, được thiên hạ đời sau hết lời ca tụng.

Thực tế ta hiểu rõ, Khổng Minh Gia Cát Lượng chỉ là một người phàm mắt thịt. Sở dĩ ông lập đàn "mượn gió đông" vì ông có sự nhạy bén hơn người hay chú ý quan sát tinh tượng, thời tiết. Dự báo của Khổng Minh cũng chỉ là dự đoán. Nhưng quan trọng nhất đó là cái tâm của ông rất trong sáng, những việc ông làm đều là vì bá tánh, thiên hạ. Mưu kế ông đưa ra là để đối phó với kẻ xấu nham hiểm có ý muốn bành trướng thế lực. Nên Trời thuận thế hết lần này đến lần khác đều cho những kế sách của ông được thành công viên mãn.

Tào Tháo với dã tâm quyết đoạt bằng được thiên hạ, dấy binh thảo phạt, tạo ra binh biến, xác chết chất thành núi, máu chảy thành sông, trăm họ oán than, lòng dân oán hận, thấu tận trời xanh - do đó mẹ thiên nhiên mới thuận theo kế sách dùng Hoả công của Khổng Minh nổi gió đông thui trụi tàu thuyền, đánh tan tác giặc Tào.

**Lưu Bị thảo phạt Đông Ngô:

Lưu Bị khi chiếm được Tây Xuyên, nuôi binh hùng tướng mạnh, dấy binh thảo phạt Đông Ngô lấy cớ là để trả thù cho Quan Vân Trường nhưng thực chất là đang bành trướng thế lực, trước chiếm Đông Ngô sau đánh Tào Tháo. Phải kể thêm tình tiết trước đó Lưu Bị đã có giao ước với Tử Kính sau khi chiếm được Tây Xuyên sẽ giao trả Kinh Châu cho nước Ngô. Sau khi chiếm được Tây Xuyên, Gia Cát Lượng từng nhiều lần khuyên Lưu Bị nên giữ lời hứa năm xưa nên trao trả Kinh Châu. Nhưng Lưu Bị lại bỏ ngoài tai không muốn thực hiện lời hứa, cho Quan Vân Trường ở lại trấn giữ Kinh Châu. Lỗ Túc (Tử Kính) lúc này là Đại Đô Đốc nước Ngô nhiều lần đi sứ sang Thục gặp Lưu Bị và cả Quan Vũ yêu cầu thực hiện lời hứa giao trả Kinh Châu. Nhưng Quan Vũ nhất định không nghe. (Thực tế vì trước đó Đông Ngô cũng có chổ không phải với Lưu Bị. Tôn Quyền vì nghe theo kế sách của Chu Du đã lợi dụng tình hữu nghị liên minh nhiều lần lừa dối có ý định giết hại Lưu Bị. Sau cùng còn lừa bắt vợ của ông là Tôn phu nhân về nước Ngô.)

Lại kể thêm về Lỗ Túc (tự Tử Kính). Lỗ Túc là một người tài trí, đức độ. Ông xuất thân từ danh gia vọng tộc, nhưng trước biến cố đất nước Lỗ Túc đã đem hết tài sản của mình đem phân phát cho dân nghèo. Trong lúc nghĩa quân của Chu Du gặp nạn Lỗ Túc đã đem gạo ra cứu giúp. Về sau Lỗ Túc được Chu Du tiến cử ra làm quan, nhưng bao nhiêu bổng lộc của triều đình Lỗ Túc đều đem phân phát hết cho bá tánh, chỉ sống một cuộc sống đơn sơ thanh đạm. Tài trí và đức độ của Tử Kính có thể sánh ngang Khổng Minh. Do đó đối với mong muốn gắn kết liên minh Tôn - Lưu của Lỗ Túc, Chu Du tuy không cùng quan điểm, có lúc nảy sinh bất hoà, nhưng lúc nào Chu Du cũng hết mực kính trọng Lỗ Túc. (mặc dù Tử Kính hết lòng khuyên can Chu Du, hoà giải mối liên minh Tôn - Lưu nhưng đều bất thành. Đến khi Chu Du mất, Lỗ Túc hết mực khuyên can Tôn Quyền nối lại liên minh Tôn Lưu, hoá giải hận thù trước đây. Tôn Quyền cuối cùng cũng nghe theo, nhiều lần hạ mình trước Lưu Bị và Quan Vũ)

Tôn Quyền cho người đến cầu thân, có ý định muốn gả con trai của mình cho con gái của Quan Vũ. Nhưng Quan Vũ đã giận dữ hét lớn rằng: "Hổ nữ sao có thể lấy khuyển tử". Lã Mông là Phó Đô Đốc nước Ngô khi đó mới đem binh sang đánh chiếm đòi lại Kinh Châu, Quan Vân Trường thua trận bị truy đuổi sau cùng đã rút gươm tự sát. Không lâu sau Lã Mông cũng qua đời. Nước Ngô đã phái Gia Cát Cẩn sang giảng hoà xin đưa trả Tôn Phu Nhân, và lấy cái chết của Lã Mông tạ tội với Lưu Bị, mong nối lại liên minh hai nước. Nhưng Lưu Bị đã tức giận cự tuyệt, cương quyết quyết đánh Đông Ngô trả thù cho Vân Trường. Đông Ngô khi đó chỉ có khoảng 15 vạn quân do Lục Tốn làm Đại Đô Đốc thống lĩnh đã đánh tan 70 vạn quân Thục của Lưu Bị.

Thất bại của Lưu Bị được lý giải bởi đã không giữ đúng lời hứa trao trả lại Kinh Châu cho Đông Ngô. Kế đó là việc Đông Ngô tuy là một nước nhỏ nhưng địa linh nhân kiệt - có nhiều nhân tài. Dưới sự cai trị của Tôn Quyền, tướng sĩ trên dưới đồng lòng, trung can nghĩa đảm, thà chết báo quốc, dân chúng ấm no, đất nước thái bình.

***Khổng Minh đem quân Bắc phạt

Khi Lưu Bị chết, dặn dò với Khổng Minh nhất định phải giúp ông thực hiện tâm nguyện diệt Nguỵ khôi phục nhà Hán. Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng phụ chính kiên trì thực hiện chính sách Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo.

Năm 226, Ngụy Văn Đế Tào Phi ốm chết. Gia Cát Lượng nhận định rằng đây là cơ hội tốt nhất để tiến hành Bắc phạt, đích thân ông khởi binh đánh Nguỵ.

Tư Mã Ý thoát chết ở Thương Phương Cốc:

Tài kém Gia Cát Lượng nhưng sau cùng Tư Mã Ý đã thắng:
Đấu trận pháp Trọng Đạt thua Khổng Minh, đấu quỷ kế Tư Mã Ý lại thua, đấu tài chế tạo Tư Mã Ý cũng thua Gia Cát Lượng trong trận chiến trâu gỗ ngựa máy. Đến trận chiến cuối cùng, Gia Cát Lượng dùng kế sách lừa được cha con nhà Tư Mã vào Thương Phương Cốc. Nơi đây là nơi chứa lương thảo của quân Thục, nhưng Gia Cát Lượng đã sai binh sĩ tẩm dầu hoả và đặt thuốc nổ bày sẵn thiên la địa võng. Mục đích của Gia Cát Lượng là muốn cho đội quân của Tư Mã Ý vào mà không còn mạng để trở ra. Mọi việc đã đâu vào đấy đúng như sự sắp đặt tính toán của Gia Cát Lượng. Tư Mã Ý trúng kế, tất cả đội quân sau khi vào cốc đều bị vây chặt, xung quanh bốn bề đều là biển lửa. Đường lui binh duy nhất ở ngoài cửa cốc cũng đã bị Gia Cát Lượng cho bố trí sẵn quân lính mai phục, hễ có bất kì tên lính nào xông ra đều bị bắn chết tại chổ. Tưởng rằng đây là ngày tận số, không có cách nào thoát nổi vòng vây, Tư Mã Ý bèn rút gươm ra định tự sát, khi Ý đưa gươm vừa kề cận cổ thì trời bỗng nổi cơn mưa to dập tắt hết cả rừng lửa, Tư Mã Ý nhờ đó mà thoát chết.

Cho thấy rằng, dù tài cao bắc đẩu, dù tinh thông trận pháp, dù thiên biến vạn hoá, dù trăm phương ngàn kế: THUẬT MUÔN ĐỜI CŨNG KHÔNG THỂ THẮNG ĐƯỢC ĐẠO

Post a Comment

Previous Post Next Post