Cử án tề mi: Lương Hồng Mạnh Quang | Truyện ngắn hay

Cử án tề mi là câu chuyện kể về vợ Lương Hồng là Mạnh Quang, có tướng mạo rất xấu xí, nhưng lại là người có trí tuệ và đối xử với mọi người rất mực hiền đức.
Cử án tề mi: Lương Hồng Mạnh Quang | Truyện ngắn hay
Cử án tề mi: Mạnh Quang dâng cơm cho Lương Hồng
Mạnh gia là gia đình rất giàu có, cho nên số người đến xin cầu hôn Mạnh Quang cũng không phải ít, nhưng mỗi lần có người đến cầu hôn, cô đều từ chối khéo.

Dung mạo của Mạnh Quang tuy xấu xí nhưng cô không vì thế mà cảm thấy tự ti và cũng không vì giàu có mà kiêu căng. Trong nội tâm của cô chỉ coi trọng việc tu dưỡng đạo đức. 

Mặc dù tuổi đã lớn mà vẫn chưa thành thân nhưng cô cũng không vì thế mà lo lắng, hàng ngày đều hiếu kính cha mẹ, an phận với cuộc sống.

Thấy con gái mỗi năm một nhiều tuổi hơn mà lập trường vẫn kiên định như vậy nên cha mẹ cô rất lo lắng, sốt ruột hỏi: Con tuổi cũng không còn nhỏ, nhiều năm qua có nhiều người đến cầu hôn, trong đó người giàu cũng có, người có địa vị chức tước cũng có, người khôi ngô tuấn tú cũng có, tài hoa cũng có, nhưng con đều không ưng ý, rốt cuộc là con muốn tìm một người như thế nào?

Mạnh Quang liền trả lời: Con hy vọng người đó có tiết tháo như Lương Hồng

Lương Hồng vốn là một thư sinh nghèo, thông minh, hiếu học, luôn miệt mài đèn sách, cha mẹ sớm đã qua đời. Ông tuy tuổi trẻ nhưng rất cương nghị, chính trực do đó mọi người ai ai cũng đều kính nể.

Sau khi đỗ đạt, thấy Lương Hồng khí chất nho nhã, lại có học vấn cao được nhiều người ngưỡng mộ thậm chí rất nhiều nhà danh giá đều muốn gả con gái cho ông. Trong đó không thiếu những cô gái con nhà quyền quý, giàu có và xinh đẹp, nhưng đều bị Lương Hồng từ chối một cách khéo léo.

Trong lòng Lương Hồng, từ trước đến nay chỉ tôn sùng đạo đức chứ không ham danh lợi tài sắc. Ông hy vọng có thể tìm được một người cùng chung chí hướng với mình.

Nghe tiếng Mạnh tiểu thư là người phẩm đức hiền lương, ông bèn cho người đến cầu hôn. Mạnh Quang nghe tin Lương Hồng đến cầu hôn liền ưng ý mà chấp thuận.

Đến ngày kết hôn, Mạnh Quang ăn mặc và trang điểm tô son đánh phấn vẽ lông mày vô cùng xinh đẹp, ai nấy đều vô cùng bất ngờ, duy chỉ có Lương Hồng có chút hồ nghi thất vọng, không thèm nhòm ngó đến vợ. Mạnh Quang hỏi nguyên do tại sao thì Lương Hồng trả lời: Nàng mặc toàn lụa là gấm vóc trước nay quen cuộc sống sung sướng, thì làm sao có thể làm lụng vất vả và cùng tôi sống cuộc đời ẩn cư được?

Mạnh tiểu thư nghe vậy, quay trở lại phòng thay một bộ trang phục vải thô bước ra. Lương Hồng thấy vậy mừng lắm, mới đặt tên cho nàng là Đức Diệu. 

Về sau, hai vợ chồng dọn lên núi Bá Lăng sinh sống ẩn cư. Lương Hồng hàng ngày ra ruộng cày cấy còn Mạnh Quang ở nhà dệt vải, làm nội trợ, rất chăm chỉ. Những lúc nhàn rỗi, hai vợ chồng lại cùng ngâm thơ, đàn hát, đọc sách. Cuộc sống của họ tuy rất đơn giản nhưng lại vô cùng vui vẻ hạnh phúc.

Mỗi lần Lương Hồng trở về nhà thì Mạnh Quang đã chuẩn bị xong cơm canh đầy đủ. Hơn nữa mỗi lần đưa cơm canh cho chồng, Mạnh Quang thường giơ cao mâm cơm lên ngang lông mày và cúi đầu xuống một cách cung kính. Lương Hồng cũng cúi người và cung kính nhận lấy, hai vợ chồng tương kính như tân, dùng lễ mà đối đãi với nhau.

Người đời sau truyền tụng ca ngợi, cho rằng vợ của Lương Hồng một tiểu thư khuê cát quyền quý, nhưng đã không màng phú quý vinh hoa, có thể từ bỏ cuộc sống giàu sang, an nhàn để sinh sống một cuộc sống nghèo khó, cực khổ. Thật là một người phụ nữ hiền đức hiếm có. Còn Lương Hồng không tham tài sắc, không màng danh lợi, vui với việc học tập chú trọng tu dưỡng đức hạnh là một tấm gương khiến người đời kính nể.

Câu chuyện này chính là nguồn gốc của câu Cử án tề mi (tạm dịch: Nâng mâm lên ngang lông mày).

Cử án tề mi để ví người vợ luôn thương yêu tôn trọng chồng, hoặc vợ chồng cùng tôn trọng và thương yêu lẫn nhau.

Sưu tập và hệ thống: Thiên Hương

Post a Comment

Previous Post Next Post