Cổ Học Tinh Hoa: Ứng đối giỏi

Án Tử sắp sang sứ nước Sở, vua Sở nghe thấy, bảo cận thần rằng: "Án Tử là một tay ăn nói giỏi nước Tề, nay sắp sang đây, ta muốn làm nhục, có cách gì không?

- Cận thần thưa: Đợi bao giờ Án Tử sang, chúng tôi xin trói một người, dẫn đến trước nhà vua.

Cổ Học Tinh Hoa: Ứng đối giỏi- Để làm gì?

- Để giả làm người nước Tề.

- Cho là phạm tội gì?

- Tội ăn trộm.

Lúc Án Tử đến nơi. Vua Sở làm tiệc thiết đãi tử tế. Rượu uống ngà ngà, bỗng thấy hai tên lính điệu một người bị trói vào.

Vua hỏi: "Tên kia tội gì mà phải trói thế?

- Lính thưa: Tên ấy là người nước Tề phải tội ăn trộm".

Vua đưa mắt, nhìn Án Tử nói rằng: "Người nước Tề hay trộm cấp lắm nhỉ!"

Án Tử đứng dậy, thưa rằng: Chúng tôi trộm nghe cây quất mọc ở đất Hoài nam, thì là quất ngọt, đem sang giồng ở đất Hoài bắc, thì hoá quất chua. Cành, lá giống nhau mà quả chua, ngọt khác nhau là tại làm sao? Tại thuỷ thổ khác nhau vậy. Nay dân sinh trưởng ở nước Tề thì không ăn trộm, sang ở nước Sở thì sinh ra trộm cắp. Có nhẽ cũng tại vì cái thuỷ thổ khác nhau nó xui khiến ra như thế chăng!

- Vua Sở cười nói: Ta muốn nói đùa mà thành phải chịu nhục. Thế mới hay kẻ cả không nên nói đùa bao giờ".

Án Tử Xuân Thu

Lời Bàn:

Vua Sở lập mưu làm nhục Án Tử mà không ngờ lại bị Án Tử nói lại. Thực đáng khen Án Tử có cái tài khẩu biện, đối đáp được giỏi như thế. Không có câu đối đáp như thế, chẳng những một mình Án Tử chịu nhục mà lại để nhục đến cả quốc thể: chẳng những nước Tề khỏi nhục, mà lại làm cho vua tôi nước Sở phải phục. Rõ ràng: "Kẻ cắp gặp bà già", "Vỏ quít dày có móng tay nhọn", "Quyết lòng ngậm máu phun người, bỗng đâu gió thổi máu rơi lại mình".

Xem truyện này, thì ta chẳng nên cố lấy lời nói cay đắng, độc ác mà làm trò đùa châm chích ai bao giờ. Nhưng khi có kẻ châm chích ta, muốn làm nhục ta, nhục nước ta, thì ta cũng phải tìm cách mà đối đáp lại, mới tránh được cái mũi nhọn đầu lưỡi thường khi châm chích người ta đau đớn hơn là cái mũi nhọn gươm giáo vậy.

Post a Comment

Previous Post Next Post