Cổ Học Tinh Hoa: Giữ lấy nghề mình

Tử Du người nước Trịnh. Học nghề làm dù che mưa ba năm mới thành nghề. Trời đại hạn. Không ai dùng đến dù. Anh ta bèn bỏ nghề làm dù, đi học nghề làm gàu tát nước. Lại học ba năm mới thành nghề thì trời mưa luôn mãi, không ai dùng đến gàu. Bây giờ, anh ta lại quay về nghề làm dù như trước. Không bao lâu, trong nước có giặc. Dân gian nhiều người phải đi lính, mặc đồ nhung phục, không ai cần đến dù. Anh ta xoay ra nghề đúc binh khí, thì đã già quách rồi.
Cổ Học Tinh Hoa: Giữ lấy nghề mình
Cổ Học Tinh Hoa: Giữ lấy nghề mình
Úc Ly Tử thấy anh ta, mới thương tình mà nói rằng:

- Than ôi! Bác chẳng đã già đời mất rồi ư! Già hay trẻ không phải là tự người, mà là tự trời. Điều ấy đã cố nhiên. Nhưng nghề nghiệp thành hay bại. Dù lỡ thời không gặp dịp, cũng không nên đổ cả cho trời, tất có mình ở trong. Ngày xưa nước Việt có một người làm ruộng. Cấy lúa chiêm ba năm đều bại vì lụt cả. Có người bảo anh ta nên tháo nước mà cấy lúa mùa. Anh ta không nghe. Cứ cấy lúa chiêm như trước. Năm ấy nắng to, mà nắng luôn ba năm nên vụ chiêm nào cũng được, thành ra anh ta kéo lại hòa cả mấy năm mất mùa trước. Cho nên có câu rằng:

"Trời đại hạn nghĩ đến sắm thuyền. Trời nóng nực nghĩ đến sắm áo bông. Đó là câu thiên hạ nói rất phải!"

Lời bình:

Người ta làm nghề gì, ai chẳng muốn cho nghề ấy được phát đạt, thịnh vượng. Song gặp thời, thì hay, lỡ thời thì hóa dở. Như thế thì cái thời cũng mang tính quyết định với nghề của mình lắm. Khốn cái thời là tự ở đâu đâu chớ không tự mình gấy lấy được, cho nên có lắm người làm nghề, không thành nghề, thường nói rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nghĩa là người chỉ mưu tính công việc, còn công việc nên hay không nên, là do tại trời. Song người có gan dù có lỡ thời cũng cứ vững dạ mà giữ lấy nghề, vì nghề chắc đã thành, thì tất cũng có chốn dụng, chẳng chóng thì chầy, chẳng nhiều thì ít. Chớ cứ nay làm nghề này, mai xoay nghề khác, như hòn đá lăn mãi không bao giờ mọc rêu, thì chỉ nhọc xác, già người mà vẫn không ăn thua gì cả.

Post a Comment

Previous Post Next Post