Giáo dục Việt Nam: Kiến nghị giải pháp tối ưu trong tương lai

4. Kiến nghị giải pháp tối ưu trong tương lai:

Vấn đề tiêu cực có khả năng xảy ra sau cùng, chỉ còn có thể xảy ra trong quá trình coi thi và làm bài thi. Nếu muốn hạn chế tối đa, biện pháp trong tương lai sẽ là lắp camera ở mỗi phòng thi và cho các thi sinh thi trên máy tính (hoặc máy tính bảng) ưu điểm là sau khi làm bài sẽ có ngay kết quả và điểm thi. Thậm chí có thể ngay lập tức in ra kết quả thi thành 02 bản, có mộc giáp lai, 01 bản trường lưu trữ, 01 bản thí sinh tự lưu giữ. Hình thức thi này có ưu điểm lớn đó là hạn chế tối đa tiêu cực có thể xảy ra, thí sinh sau khi thi lại có thể biết được điểm thi ngay lập tức.

Nhưng với một cuộc thi tập trung quy mô trên toàn quốc, có gần 1 triệu thí sinh dự thi. Nếu muốn áp dụng hình thức thi trên máy, đồng nghĩa với việc phải trang bị cho mỗi một em thí sinh một cái máy tính.

Chưa kể những yêu cầu về mặt thiết đặt kết nối mạng cho gần 1 triệu máy tính nhằm bảo mật và ngăn chặn truy cập internet. Thì việc tổ chức, chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi dạng này không hề đơn giản. Ước tính sơ bộ một cái máy tính hoặc một máy tính bảng loại rẻ nhất cũng vào khoảng 5 triệu, 1 triệu thí sinh sẽ là 5.000 tỷ - một con số khổng lồ.

Và điều quan trọng kế tiếp cũng cần phải đề cập đó là, sau khi thi xong thì số máy tính bàn, hoặc máy tính bảng đó sẽ được cất giữ thế nào, bố trí ở đâu? Sử dụng với mục đích nào tiếp theo? Nếu nó chỉ để dành cho việc phục vụ ở kì thi THPT quốc gia thì thật sự quá lãng phí!

Do vậy nên giải pháp khả thi nhất trong tương lai đó là xem xét bố trí ở mỗi phòng thi có thêm các hệ thống camera giám sát.

Vấn đề quan trọng được đặt ra: phải tổ chức được kì thi hết sức nghiêm túc, thể hiện sự công bằng với tất cả thí sinh. 

Yếu tố may mắn trong cuộc sống đôi khi lại rất quan trọng, có khi nó sẽ làm thay đổi cả cuộc đời của một người (cũng giống như việc trúng số độc đắc vậy). Tôi đặt giả thuyết, nếu như chúng ta đã làm quá tốt tất cả mọi mặt có thể ngăn chặn tối đa gian lận thi cử. Nhưng vẫn có một vài em quá may mắn chỉ ngồi khoanh bừa bài thi mà vẫn đạt điểm cao (thì tôi cho rằng đấng tạo hoá cũng phải có lý do nào đó để cho những em này thêm 01 cơ hội nữa). Nhưng chúng ta nhất định phải có biện pháp để các em ấy biết được rằng: may mắn là có thật nhưng đời người đôi khi may mắn chỉ mỉm cười với ta đôi ba lần, còn lại đều phải do chúng ta tự nỗ lực mà nên. Cũng giống như: "Thiên tài có khoảng 50% là năng khiếu bẩm sinh, còn lại đều phải do sự khổ luyện của bản thân".

Với những phân tích ở trên, cộng theo thực trạng giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế... kiến nghị:

1. Trong tương lai vẫn áp dụng hình thức thi tập trung quy mô trên toàn quốc giống kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và lấy kết quả đó để xét Tốt nghiệp.

Bởi Học & Hành phải luôn đi đôi với nhau, có học phải có hành. Hành ở đây ngoài việc thực hành, thực tập còn thể hiện qua việc kiểm tra đánh giá. Đánh giá ở đây ngoài chất lượng thí sinh, bên cạnh đó còn phản ảnh được công tác tổ chức, giảng dạy, chất lượng giáo dục trên một bình diện chung: quy mô cả nước.

2. Các trường Đại Học có thể dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia để lấy điểm chuẩn tuyển sinh xét tuyển, hoặc tự tổ chức cuộc thi riêng.

Đề xuất: Nên nới lỏng đầu vào, thắt chặt đầu ra. Tiêu chuẩn chất lượng trong việc đào tạo phải được đặt lên hàng đầu. Những gì học ở chương trình Đại Học phải bám sát với thực tế, học ra trường phải làm được và đáp ứng được nhu cầu công việc ngay.

Bỏ những môn đại cương không liên quan với chuyên ngành học ở 2 năm đầu Đại Học. Để sinh viên có nhiều thời gian nghiên cứu, thực hành giúp hiểu sâu cặn kẽ về ngành học hơn. Những môn như: lịch sử Đảng, Triết học Mác-Lênin, Chủ nghĩa XHKH trở thành những môn học được cộng điểm thưởng. (không bắt buộc)

3. Riêng những ngành đặc biệt như: Sư phạm, Công an, Luật sư, Báo chí ngoài điều kiện cần là điểm chuẩn xét tuyển thì yêu cầu phải có thêm điểm của kì thi SAT, LOVE + phỏng vấn trực tiếp (có trắc nghiệm lẫn tự luận, xem lối hành văn, cách xử lý tình huống, sự trao chuốt của các câu từ...)

Ngân hàng đề thi cần sự phối hợp biên soạn giữa những nhà giáo ưu tú, những thầy cô giàu kinh nghiệm sống quý báu, những giảng viên chuyên ngành, những cựu sinh viên thành đạt và cả những chuyên gia tâm lý học.
Dạy trẻ biết yêu thương trước khi dạy những thứ khác
  • Trong đó đề thi SAT phải mang tính kiểm tra tư duy nhiều hơn là kiến thức môn học.
  • LOVE (trong sư phạm mầm non): kiểm tra mức độ kiên nhẫn, nhẫn nại, chịu khó, sự cẩn thận, tỉ mĩ, dịu dàng, có tình yêu thương đối với động vật, trẻ con... là những thứ thuộc về bản năng mà một người giáo viên mầm non nhất định cần phải có.
  • LOVE (trong ngành Công An): xem xét chí hướng, dũng khí, sự cương trực và lòng yêu nước mà một người chiến sĩ công an nhân dân cần phải có.
  • LOVE (trong ngành Luật): đánh giá khả năng ứng biến, sự liêm chính và tính chính trực của một Luật sư hay một Thẩm Phán quyết nên có.
  • LOVE (trong ngành Báo Chí): đánh giá sự ngay thẳng, lòng trung thực, mức độ uy tín của một nhà báo vốn phải có.
Trong lộ trình khoảng 5 - 10 năm nữa, sợ rằng chương trình giáo dục vẫn chưa thể toàn diện. Do đó đối với những ngành đặc biệt này. Kiến nghị các Trường xem xét hạ mức điểm chuẩn xuống để không bỏ sót những cá nhân tiềm năng:

  • Tạo cơ hội cho những em có khả năng thiên phú do trước đây lơ là việc học nên điểm chuẩn chỉ ở mức trung bình, nhưng lại có phẩm chất vượt qua kì thi SAT và LOVE đạt thành tích vượt trội.
  • Xem xét ưu tiên đào tạo những em có điểm LOVE cao, mặc dù điểm chuẩn và học bạ ở mức trung bình-khá. Hơn là những em có thành tích học bạ và điểm chuẩn xuất sắc nhưng bù lại điểm LOVE quá thấp.
4. Xoá bỏ độc quyền sách giáo khoa, tạo cạnh tranh về sách giáo khoa giữa nhiều nhà xuất bản và nhiều người biên soạn sách giáo khoa. Từ đó các em học sinh và các nhà giáo mới có sự chọn lựa tốt nhất. (chọn ra một bộ sách cơ bản, và một bộ sách nâng cao chất lượng tốt nhất)

5. Thầy cô không được mở các điểm dạy thêm & học thêm, không cho trẻ bài tập về nhà.

6. Giáo dục mầm non: cần dạy các cháu phát triển tình yêu thương trước khi dạy các môn học khác. Muốn dạy các cháu điều đó thì trước hết gia đình bố mẹ, và cả cô giáo phải là người truyền tải được tình thương cho trẻ. Chỉ khi trẻ cảm nhận được, trẻ mới có thể phát triển và lan toả tình yêu thương đó cho những người xung quanh và những con vật bé nhỏ khác.

- Phải đổi mới phương pháp giáo dục, từ việc dạy và học cho đến sách giáo khoa.

Cần phải tạo sự hứng thú cho việc học: biến học thành chơi, biến chơi thành học. Biến việc chơi đùa thành cuộc hành trình khám phá những bí ẩn của tự nhiên và thế giới... biến việc học trở thành buổi thảo luận vui vẻ, thú vị, xung quanh những vấn đề cụ thể, thiết thực.

Thời gian học tối đa: chỉ 3-4 tiếng/ngày, 20 tiếng/tuần. Hãy để trẻ có thời gian vui chơi, sống vô tư hồn nhiên đúng với độ tuổi. Hãy giữ cho trẻ có được sự ngây thơ, trong sáng và có một tuổi thơ đúng nghĩa

Ngày nhà giáo Việt Nam: Chúng con yêu cô
Tuyệt đối tránh trường hợp dạy và học một cách tràn lan, tránh hình thức học vẹt, học thuộc lòng. Không nên để trẻ phải học quá nhiều, vì học phải có thời gian nghiền ngẫm và tư duy mới hiểu sâu và cặn kẽ được. Thời gian học 1 nhưng thời gian thực hành phải gấp 2, gấp 3. Phải tạo điều kiện cho trẻ đi thực tế, khám phá thế giới tự nhiên, xung quanh.

Có thể cho trẻ thử làm những công việc của một người nông dân, một anh lính cứu hoả, một người công an, người buôn bán... để xem trẻ yêu thích công việc nào nhất, hứng thú nhất với những môn học gì nhất.

Từ lớp 6, xem xét có nên lọc ra giữa những trẻ yêu thích những môn Tự Nhiên, Xã Hội, Cơ Bản và Năng Khiếu (vẽ tranh, ca hát, thể thao) hay không, để có các phương pháp giảng dạy và chương trình dạy phù hợp hơn. Đối với những trẻ yêu thích môn tự nhiên, các môn khác vẫn học theo bộ sách cơ bản, chỉ trừ những môn tự nhiên sẽ học theo sách nâng cao. (tương tự đối với những trẻ yêu thích những môn XH, CB, NK)

Thay vì cho bài tập về nhà, nên cho một chủ đề đơn giản như: liệt kê, viết ra vở rồi sau đó lên lớp kể lại những công việc đã làm trong ngày nghĩ của em, hoặc chuyến đi thực tế vừa qua, hoặc buổi cắm trại cuối tuần... Việc thường xuyên thảo luận sẽ giúp các em có kỹ năng phản xạ tốt và ăn nói lưu loát hơn. Khuyến khích rèn luyện khả năng viết của các em như: viết văn, viết nhật ký, hồi ký sẽ rất có lợi, có thể giúp các em biết cách diễn đạt, bày tỏ chính kiến và quan điểm riêng, hơn nữa nó còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn.

Phải làm sao để các em không có cảm giác học là một thứ gì đó đáng sợ, kinh khủng, mà việc học phải tạo ra được niềm vui: học những điều thú vị, học những kiến thức bổ ích thiết thực, có ý nghĩa trong đời sống. Khiến mỗi ngày các em đều hứng thú vui vẻ muốn đến trường, đến lớp và có thể thoải mái thảo luận với thầy cô giống như những người cha người mẹ, người bạn tin cậy thân thiết nhất của các em.

Đối với môn Lịch Sử, Địa Lý: thay vì phải học qua sách vở khô khan, tại sao lại không dựng thành những bộ phim huyền thoại, hào hùng và đặc sắc? Thay vì những tiết học lịch sử qua sách vở nhàm chán, sao không biến nó thành những buổi xem phim thú vị? Chắc chắn sẽ làm các em thích thú hơn, không chỉ giúp các em dễ hình dung hơn mà còn giúp nhớ dai hơn. Mặt khác nó còn giúp khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc mãnh liệt, sâu sắc.

Đối với môn Sinh học: kiến nghị nên xây dựng một khu vườn sinh học đa dạng chung. Để các trường có những buổi đi thực tập thực tế thú vị, để các em có điều kiện khám phá thế giới tự nhiên xung quanh. Tạo điều kiên để các em có thể tự tay chạm tới những giá trị sống chân thực: tự tay trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và hái quả...

XEM TIẾP: KIẾN NGHỊ DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC: QUY ĐỊNH CẤM XÚC PHẠM THẦY CÔ
Thiên Hương

Post a Comment

Previous Post Next Post