Hướng dẫn cách chọn dây điện trong xây dựng nhà | P1: Lý thuyết

Chọn lựa dây điện trong xây dựng nhà là một việc làm cần thiết và quan trọng để bảo đảm an toàn cho người, tài sản và tránh lãng phí nếu bạn không muốn sớm phải thay mới các thiết bị gia dụng trong nhà. 

Bởi một khi bạn dùng dây điện kém chất lượng ngoài việc sẽ gây ra các tác hại như dẫn điện kém, gây sụt áp trên đường dây sẽ làm giảm nhanh tuổi thọ của thiết bị. Ngoài ra đường dây phát nóng quá mức do việc truyền dẫn kém sẽ gây hư hại lớp cách điện, hở ruột dẫn, gây rò điện, tổn thất điện năng, gây chạm chập cháy nổ, điện giật cho người, gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng.
Hướng dẫn cách chọn dây điện trong xây dựng nhà
Hướng dẫn cách chọn dây điện trong xây dựng nhà

Bài viết này sẽ hướng dẫn ngắn gọn cách tính công suất tải và chọn mua dây điện đảm bảo chất lượng có độ bền cao, giúp bạn tự tin và dễ dàng hơn trong việc lựa chọn dây điện cho nhà ở.
Trong hướng dẫn này, công suất chịu tải và tên gọi các loại dây điện được đề nghị sử dụng lắp đặt trong nhà - được tham khảo theo tiêu chuẩn TCVN 2103, và tiêu chuẩn của ngành Điện lực cũng như các nhà sản xuất dây và cáp điện uy tín tại Việt nam hiện nay.

PHẦN 1- LÝ THUYẾT:

I. Giới thiệu các nguồn điện sử dụng cho nhà ở 

1. Nguồn điện 1 pha 2 dây (thông dụng nhất)

Nguồn 1 pha 2 dây gồm có: 1 dây pha và 1 dây trung tính (còn được gọi là 1 dây nóng và 1 dây nguội). 

Hiện nay, đây là nguồn điện thông dụng nhất cho nhà ở tại Việt Nam.

2. Nguồn điện 1 pha 3 dây

Nguồn điện 1 pha 3 dây gồm có: 1 dây pha, 1 dây trung tính và 1 dây nối đất (còn được gọi là 1 dây nóng, 1 dây nguội và 1 dây bảo vệ). 

Tại Việt Nam, nguồn điện này được áp dụng ở các tòa nhà cao tầng, khách sạn, biệt thự, các trung tâm lớn... các nơi có sử dụng các máy móc thiết bị quan trọng.

II. Một số cách đi dây điện thông dụng

1. Đi dây nổi:

Dây điện sẽ được luồn trong các ống nhựa hoặc nẹp nhựa và được cố định bằng đinh trên tường, trần nhà. 

Những loại dây điện thích hợp đi nổi như: VCm, VCmd, VC.

Lưu ý: Số lượng dây trong ống cần xem xét sao cho đừng quá chật để tiện lợi khi rút dây, luồn dây khi cần thiết sửa chữa thay thế. 

2. Đi dây âm tường, âm trần, âm sàn: 

Dây điện được luồn trong các ống nhựa đặt âm trong tường, trần nhà (dùng ống trơn khi đi thẳng, ống ruột gà khi chuyển hướng)
Hướng dẫn cách chọn dây điện trong xây dựng nhà: Đi đường điện trong nhà 
Những loại dây điện thích hợp đi âm như: VC, CV, CVV 

Lưu ý: Trường hợp nếu nhà bạn thi công đường điện âm tường bạn nên yêu cầu thi công đúng theo bản vẽ, hoặc nếu quá trình thi công thực tế có thay đổi so với bản vẽ, bạn nên yêu cầu thợ điện thi công vẽ lại sơ đồ đường điện (hoặc nếu kĩ tính bạn nên tự vẽ sơ đồ) để phòng ngừa sau này khi có khoan tường treo đồ tránh những nơi đi đường điện ra.

Số lượng dây trong ống cần xem xét sao cho đừng quá chật để tiện lợi khi rút dây, luồn dây khi cần thiết sửa chữa thay thế.

III. Dây dẫn từ điện kế đến các thiết bị tiêu thụ điện (dây dẫn trong nhà)

Ở Việt Nam, đoạn dây điện từ ngoài đường vào tới cột điện trước nhà (hay còn gọi là đoạn dây ngoài trời) và đoạn dây điện từ trước nhà vào điện kế (còn gọi là đoạn cáp điện kế) đều do ngành Điện lực tự lựa chọn và lắp đặt nếu chủ nhà không có yêu cầu gì riêng. 

Còn các dây dẫn điện từ điện kế (đồng hồ điện) đến các thiết bị tiêu thụ điện trong nhà là thuộc quyền quyết định và chọn lựa của chủ nhà, và cũng là nội dung chính của bài hướng dẫn này.

Dưới đây là những loại dây dẫn điện được đề nghị sử dụng:
  • Dây đơn cứng (VC), 
  • Dây đơn mềm (VCm), 
  • Dây đôi mềm dẹt (VCmd), 
  • Dây đôi mềm xoắn (VCmx), 
  • Dây đôi mềm tròn (VCmt), 
  • Dây đôi mềm ôvan (VCmo),
  • Dây đơn cứng, ruột nhôm (VA),
  • Dây điện lực ruột đồng, cách điện PVC (CV),
  • Cáp điện lực ruột đồng, cách điện PVC, vỏ bảo vệ PVC (CVV)

Lưu ý: Khi chọn mua các thiết bị điện, hoặc dây dẫn điện cho nhà ở bạn phải chọn các thiết bị điện đảm bảo chất lượng có độ bền cao, muốn vậy bạn phải chọn cửa hàng uy tín và là Đại lý phân phối cấp 1 để bảo đảm mua được thiết bị chất lượng chính hãng - nhà mình chọn mua thiết bị điện của hãng Panasonic và dây điện CV của Cadivi.

Bạn làm theo hướng dẫn tại bài viết này để tìm hiểu thông tin đại lý nơi bạn sinh sống nhé.

IV. Công suất chịu tải của các loại dây điện sử dụng cho nhà ở

Mỗi cỡ dây điện (tiết diện ruột dẫn) và mỗi loại dây điện sẽ có mức chịu tải (công suất chịu tải) khác nhau.

Đối với công trình dân dụng (nhà ở), công suất chịu tải của các loại dây điện nêu trong 02 bảng này là phù hợp với nhiệt độ môi trường đến 40 độ C và cũng đã xem xét đến vấn đề sụt áp nhằm đảm bảo chất lượng điện sinh hoạt cho nhà ở.

Bảng 1: Công suất chịu tải của dây VC, CV, CVV
Tiết diện ruột dẫn
Công suất chịu tải
Tiết diện ruột dẫn
Công suất chịu tải
0,5 mm2
≤ 0,8 kW
3 mm2
 ≤ 5,6 kW
0,75 mm2
≤ 1,3 kW
4 mm2
≤ 7,3 kW
1,0 mm2
≤ 1,8 kW
5 mm2
≤ 8,7 kW
1,25 mm2
≤ 2,1 kW
6 mm2
 ≤ 10,3 kW
1,5 mm2
≤ 2,6 kW
7 mm2
 ≤ 11,4 kW
2,0 mm2
≤ 3,6 kW
8 mm2
≤ 12,5 kW
2,5 mm2
≤ 4,4 kW
10 mm2
≤ 14,3 kW
Công suất chịu tải trong bảng trên phù hợp cho chiều dài dây đến 30m, với độ sụt áp không quá 5% ở điều kiện đầy tải 

Bảng 2: Công suất chịu tải của dây đôi mềm VCm, VCmx, VCmd, VCmo, VCmt

Tiết diện ruột dẫn
Công suất chịu tải
Tiết diện ruột dẫn
Công suất chịu tải
0,5 mm2
 ≤ 0,8 kW
2,5 mm2
≤ 4,0 kW
0,75 mm2
≤ 1,2 kW
3,5 mm2
≤ 5,7 kW
1,0 mm2
≤ 1,7 kW
4 mm2
≤ 6,2 kW
1,25 mm2
 ≤ 2,1 kW
5,5 mm2
 ≤ 8,8 kW
1,5 mm2
≤ 2,4 kW
6 mm2
 ≤ 9,6 kW
2,0 mm2
≤ 3,3 kW



Công suất chịu tải trong bảng trên phù hợp cho chiều dài dây đến 30m, với độ sụt áp không quá 5% ở điều kiện đầy tải 

XEM TIẾP: Hướng dẫn cách chọn dây điện trong xây dựng nhà - P2
Thiên Hương

Post a Comment

Previous Post Next Post