Sống phải biết mơ ước

Sống phải biết mơ ướcBạn nên biết rằng, sống với những mơ ước, những hoài bảo khác hẳn với việc mơ tưởng viễn vông, xa rời thực tế. Vì vậy: “Đừng mơ trong cuộc sống – mà hãy sống cho giấc mơ”

Tại sao cần phải mơ ước?

Trong cuộc sống, chúng ta không thể chinh phục được đỉnh cao, không thể thành công nếu như chúng ta không sớm đầu tư thời gian và công sức cho những gì mình muốn đạt được.

Và muốn có được điều đó, trước tiên bạn cần phải biết mơ ước, mơ ước để xác định mục tiêu, để định hướng nghề nghiệp cho bản thân từ sớm, con đường xây dựng sự nghiệp đời bạn sẽ thênh thang, rộng mở hơn. Chúng ta sẽ có được tầm nhìn xa, trông rộng về tương lai phía trước. Điều này còn thể hiện: “bạn là người sống có trách nhiệm với bản thân.”

Muốn vậy, việc bạn làm ở đây là phải hiểu về chính bản thân mình, đặc điểm tính cách sở thích, các mối quan tâm, cũng như phải hiểu rõ các mặt mạnh mặt yếu của mình, và quan trọng nhất là bạn cần phải hiểu rõ mục tiêu của chính mình, từ đó mới có thể toàn tâm toàn sức dốc hết mọi cố gắng để đạt được mục tiêu đó.

Tại sao ta phải mất thời gian tự phân tích mình và viết mục tiêu, lập kế hoạch nghề nghiệp cho mình như vậy?

Bởi vì, cách dự báo tương lai chính xác nhất chính là: “hãy tạo ra tương lai.”

Sẽ không một ai khác hiểu rõ bản thân bạn bằng chính bạn! Hãy dành nhiều thời gian hơn cho mình để tự khám phá bản thân để hiểu về chính mình.

Để làm được điều đó bạn phải tự đặt ra những câu hỏi:

Bạn yêu thích làm gì nhất? Những việc mà bạn có thể bỏ ra hàng giờ thậm chí quên ăn quên ngủ chỉ để hoàn thành nó mà không thấy chán?

Chỉ khi làm công việc bạn thật sự yêu thích bạn mới không phải đi làm một ngày nào cả
Bởi vì chỉ có làm những việc bạn thật sự yêu thích, bạn mới có thể dốc hết toàn bộ thời gian tâm huyết của mình vào nó, thực hiện nó một cách vui vẻ, thoải mái, với một niềm say mê hoàn toàn tự nguyện, và đó cũng chính là đường đi ngắn nhất để dẫn đến thành công!

Thử mà nghĩ xem, mỗi ngày bạn có 24 giờ, chia nó làm 3 phần, mỗi phần 8 giờ. Trong đó, chúng ta sử dụng một phần ba cho công việc, một phần ba cho cho gia đình, bạn bè và những sở thích khác, một phần ba còn lại chúng ta dành để nghĩ ngơi, nạp năng lượng cho ngày hôm sau. Như vậy, nếu phải gánh vác một công việc mà mình không hề say mê, hứng thú thì bạn thử hình dung xem chúng ta sẽ cảm thấy nặng nề, khổ sở đến thế nào?

Vậy làm thế nào để xác định được niềm say mê, hứng thú của bản thân?

- Câu trả lời là: bạn hãy dành ra thời gian để viết ra những gì bạn thích làm!

Chẳng hạn như: thích đi đây đó, thích sự tự do, thích quản lý, thích kinh doanh, thích phân tích, thích học hỏi điều hay cái mới, thích viết lách, thích làm đẹp cho mình và cho người khác, thích vẽ vời thiết kế, sáng tạo… hãy viết trung thực với chính mình.

Sau khi viết ra những sở thích, điều bạn cần làm tiếp theo là hãy so sánh chúng với nhau. Để xác định xem điều gì mình yêu thích nhất. Sau đó phân tích dựa trên tình hình thực tế và chọn lựa công việc mà bạn cho là thích hợp nhất.

Bạn thích những môn học xã hội, có khiếu hài hước, yêu thích công việc tự do, thích đi đây đó, thích tiếp xúc với nhiều người, thích sáng tạo. Dựa vào những đặc điểm này cho thấy bạn là người năng động thích hợp với những công việc không gò bó khuôn mẫu, phù hợp với những ngành nghề như: biên tập viên báo chí, hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch viên.

Hoàn cảnh của mỗi người mỗi khác, sau khi liệt kê ra được những ngành nghề yêu thích thì bước tiếp theo là hãy dựa vào điều kiện thực tế của bạn mà vạch ra con đường ngắn nhất để có thể hoàn thành được ước mơ của bạn.

Chẳng hạn như: Bạn thích giao tiếp với nhiều người, thích hội hoạ thiết kế, thích sáng tạo, thích có công việc tự do đồng thời cũng đam mê kinh doanh, quản lý. Những đặc điểm này cho thấy bạn phù hợp với những công việc liên quan đến nghệ thuật: kiến trúc sư, hoạ sỹ, mỹ thuật đồ hoạ, thiết kế thời trang, ngoài ra bạn còn có niềm đam mê kinh doanh nên danh sách công việc của bạn sau này có thể mở rộng ra thêm: mở công ty chuyên về thiết kế, mở shop thời trang, mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng.

Thực ra, mỗi chúng ta không phải khó khăn nhiều lắm trong việc tự phân tích bản thân mình, sau khi đã biết mình phù hợp với những ngành nghề nào, việc làm tiếp theo đó là hãy tự mình đặt ra cho mình những mốc thời gian thực hiện mục tiêu đó: "- Hiện tại, tôi 16 tuổi học lớp 10, mục tiêu năm 18 tuổi sẽ thi đậu Đại Học Kiến Trúc, 24 tuổi sẽ là một trong những sinh viên trường Kiến Trúc tốt nghiệp loại ưu, đi làm học hỏi kinh nghiệm 5 năm, sau đó sẽ mở công ty chuyên về tư vấn thiết kế để hổ trợ thêm công việc kinh doanh của gia đình!"

Liệt kê chi tiết kế hoạch: Vạch ra từng mốc thời gian cụ thể từ 16 -18 tuổi, những việc sẽ phải làm để thực hiện được mục tiêu đầu tiên là thi đậu Đại Học Kiến Trúc:

- Để thi đậu Đại Học Kiến Trúc (Khối V hoặc Khối H) tôi cần phải giảm hay thậm chí là cần thiết phải hy sinh thời gian dành cho những sở thích cá nhân trước đây, thay vào đó là tăng cường thời gian học những môn chủ lực sau: Khối V(Văn, Vẽ, Vẽ) hoặc Khối H (Toán, Lý, Vẽ):

- Hàng ngày sau những môn học ở trường dành thêm ra 3 giờ để luyện tập vẽ

- Một tuần dành ra 3 ngày, mỗi ngày 2 tiếng để đọc những bài Văn hay, đọc sách báo, cập nhật tin tức.

Thường nói thì luôn luôn dễ hơn làm, bạn sẽ phải quyết tâm cao độ cho đến khi thực hiện được mục tiêu, có 3 nguyên tắc dành cho bạn: “Quy tắc đầu tiên: bất cứ giá nào cũng không được bỏ cuộc, Quy tắc thứ 2: nghĩ đến sự thất vọng của người bạn thương yêu nhất, Quy tắc thứ 3: không được quên quy tắc thứ nhất”

Đừng mong đích đến sẽ thay đổi: nếu như bạn không thay đổi con đườngKhi viết ra những sở thích bạn có thể sẽ bất ngờ, khi đã khám khám phá một cách rõ nét hơn về bản thân mình. Sẽ giúp bạn hiểu rõ cả ưu điểm lẫn nhược điểm của bản thân, để có thể chọn lựa công việc đúng chuyên môn và sở thích.


Nếu ta không tự đặt ra mục tiêu và xây dựng kế hoạch cho tương lai, thì nó giống như việc bạn đang đi trên một con thuyền không người lái, cứ trôi loanh quanh, vô định, sẽ chẳng đi đến đâu cả! Ngược lại nếu bạn xác định mục tiêu từ trước, có định hướng rõ ràng cho sự nghiệp đời mình, thì những gì bạn nỗ lực học hỏi và thực hiên hôm nay mới giúp bạn đi đến thành công.

Và đừng quên: “Chỉ khi làm công việc bạn thật sự yêu thích bạn mới không phải đi làm một ngày nào cả”

Thiên Hương

Post a Comment

Previous Post Next Post